Một đời người, một dòng sông
Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ
Muốn qua sông phải lụy đò
Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa.
Tháng năm dầu dãi nắng mưa
Con đò trí thức thầy đưa bao người
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.
Con đò mộc, mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày
Khúc sông ấy vẫn còn đây
Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông
(Người lái đò, tác giả Thảo Nguyên)
Đúng vậy, con đò tri thức của những người thầy người cô chưa bao giờ dừng lại. Mặc cho bụi phấn cứ rơi, mồ hôi cứ đổ, công cuộc trồng người của họ vẫn sẽ tiếp tục. Tiễn bao lớp học trò đi rồi lại đón những lớp học mới. Vẫn với tình yêu thương bao la, sự tâm huyết với nghề họ luôn dành hết sức mình để cung cấp hành trang cho những vị khách qua sông bước vào đời. Tôi một học sinh cuối cấp, khi sắp phải xa mái trường thân yêu này, thứ tôi luyến tiếc nhất là những người thầy, người cô nơi đây. Không biết từ bao giờ dưới mái trường Nguyễn Trãi thân yêu này, đã ko còn là tình thương giữa thầy và trò mà là sự gắn bó như những người thân suốt 4 năm cấp 2. Trong đó, giáo viên dạy Văn của tôi, cô Nguyễn Thị Hà có lẽ sẽ là người lái đò mà tôi luyến tiếc nhất trên dòng sông này.
Cô, một giáo viên 45 tuổi đã có gần 20 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Chúng tôi hay gọi vui cô là “Hà Bá”. Vì nếu cô là người cai trị lòng sông thì chúng tôi sẽ là bầy cá nhỏ nghe lời. Ai lần đầu gặp cô cũng nói cô trẻ quá, có lẽ vì sự vui tươi và lối sống rất lạc quan mà làn da của người phụ nữa ấy luôn căng bóng khiến người ta cảm thấy ghen tị, đôi mắt thì như biết cười, có khi tâm trạng của bạn đang không tốt thế mà chỉ cần gặp cô, đôi mắt ấy sẽ cho bạn động lực để cố gắng, nó lan tỏa sự lạc quan đến tất cả mọi người. Chẳng hiểu sao ông trời có vẻ thiên vị cô quá, đã có đôi mắt đẹp lại thêm một nụ cười tỏa nắng, thế đấy mà “Hà Bá” của chúng tôi hay lo lắm. Người cô vốn đã thon thả thế mà còn rất chăm chỉ và đều đặn mỗi sáng một cốc nước ép hoa quả, tôi hiểu đó là sở thích của cô nhưng vẫn hay đùa với cô rằng cô muốn trở thành người mẫu. Đối với chúng tôi, cô không chỉ là thầy mà còn là người bạn để tâm sự để sẻ chia. Cách dạy của cô rất độc đáo và mới lạ, cô luôn lồng ghép cho chúng tôi những trò chơi những câu chuyện cười trong những tiết học khô khan, mà đôi khi chẳng cần nhiều chỉ cần thấy “Hà Bá” tóc xoăn xuất hiện thì những căng thẳng của chúng tôi cũng được giảm bớt phần nào. Cách nói chuyện vui nhộn, thu hút, những bài giảng thú vị và cả giọng nói truyền cảm, cô khiến đám học trò chúng tôi mê mệt với những bài học, cô như đưa chúng tôi vào từng tác phẩm văn học cảm nhận nó một cách rõ ràng nhất. Tuy vui tính là vậy nhưng cô khi đã làm việc thì cô lại vô cùng nghiêm túc luôn tìm những cách tốt nhất để truyền đạt cho chúng tôi, có khi nhìn bụi phấn bay lấm tấm trên mái tóc cô, từng giọt mồ hôi lăn dài trên má, tôi lại thấy thương người phụ nữ ấy vô cùng, chưa bao giờ một lời than vãn, vẫn lẳng lặng đưa đò. Ai nói nghề giáo viên là nhàn chứ tôi thấy cô sao vất vả quá, vừa làm cô vừa làm mẹ, không chỉ dạy học mà còn quan tâm đến từng đứa chúng tôi, nghĩ cách để chúng tôi tiếp thu bài tốt hơn.
Thế đấy mà đã có lần tôi thấy cô rơi nước mắt, một người luôn đặt sự vui tươi lên đầu như cô, cũng đã rơi nước mắt chỉ vì lo lắng cho tôi. Cô xem từng lứa học trò như từng đứa con, ra sức bảo vệ chúng, không để ai làm tổn thương đến những đứa con bé bỏng. Không những yêu thương thương chúng tôi, cô còn là một giáo viên hết sức tâm huyết ,nhiều năm đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, được tỉnh tặng bằng khen, là giáo viên giỏi cấp huyện, ngoài ra khi hướng dẫn học sinh tham cuộc thi Khoa học kỹ thuật đạt giải nhất cấp huyện và giải khuyến khích cấp tỉnh,…. Nhiêu đó thôi là đủ thấy “Hà Bá” của chúng tôi lợi hại đến thế nào. Không chỉ hết mình với nghề mà với trái tim đầy tình yêu đối với cộng đồng khi luôn là người đi đầu trong việc hiến máu nhân đạo và gần đây nhất là xung phong vào tuyến đầu phòng chống dịch covid. Tôi từng hỏi cô không sợ sao nhưng cô nói: “Có cô sợ chứ, nhưng nếu ai cũng vì sợ mà không dám xung phong đi đầu vậy việc này sẽ để cho ai đây, mình nguy hiểm một chút nhưng sẽ đổi lại nhiều người được an toàn, góp một chút sức để những người tuyết đầu bớt vất vả cực nhọc, dù cô có đôi lúc mệt đến kiệt sức nhưng vẫn thấy vui vì thấy mọi người an toàn.” Nghe đến đây tôi không kìm được nước mắt, một người có thể quên đi bản thân mình để nghĩ đến lợi ích chung của xã hội liệu còn bao nhiêu. “Hà Bá” của chúng tôi thật dũng cảm và kiên cường!
Tôi muốn được ở mãi với mái trường này, muốn được bên những thầy cô thân thương, muốn nghe những tiếng giảng bài, tiếng trống trường Nguyễn Trãi nhưng tôi cũng sẽ chỉ là một vị khách qua sông, khi đã trang bị đủ hành trang tri thức thì cũng phải cập bến. Sẽ nhớ lắm mái trường này, nhớ lắm người đã vì tôi không ngại mồ hôi, bụi phấn. Cứ vui tươi và trẻ trung như vậy nhé, cảm ơn cô “Hà Bá” của chúng tôi.
Nguyễn Thị Thảo Ngân
Lớp 9a1